Tuyên truyền và tưởng niệm Ngô Quyền

Mùa xuân Mậu Dần (1998) Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng đền thờ Ngô Quyền ở Đường Lâm một đĩa sứ vẽ cảnh thủy chiến Bạch Đằng và dòng chữ: Tổ quốc và nhân dân ta đời đời ghi công lớn của vị anh hùng dân tộc Ngô Quyền đã đánh tan quân xâm lược dựng nên nền độc lập của nước ta.

Hiện nay ở quê hương Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) có đền và lăng thờ Ngô Quyền. Ngoài ra còn có gần 50 nơi khác có liên quan thờ Ngô Quyền và các tướng lĩnh thuộc triều đại Ngô Vương, trong đó nhiều nhất thuộc vùng đất Hải Phòng (34 di tích), Thái Bình (3 di tích), Hà Nam (1 di tích), Phú Thọ (1 di tích), Hưng Yên (3 di tích).[30]

Đền thờ và lăng Ngô Quyền ở thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây là một địa chỉ du lịch và tâm linh nổi tiếng của làng cổ này. Đền được xây dựng bằng gạch, lợp ngói mũi hài, quay về hướng đông, có tường bao quanh. Qua tam quan, hai bên có tả mạc, hữu mạc, mỗi dãy nhà gồm năm gian nhỏ. Đại bái có hoành phi khắc bốn chữ "Tiền Vương bất vọng". Ngày nay tòa đại bái được dùng làm phòng trưng bày về thân thế, sự nghiệp của Ngô Quyền và nhà triển lãm chiến thắng Bạch Đằng. Hậu cung kiến trúc theo kiểu chữ đinh (丁), có tượng Ngô Quyền, đã được tu tạo vào năm 1877. Lăng Ngô Quyền có mái che, cao 1,5 mét, bia đá được khắc thời Tự Đức, có ghi bốn chữ Hán "Tiền Ngô Vương lăng". Tiền Ngô vương lăng đã được trùng tu năm 2013 với vốn đầu tư trùng tu lăng là 29 tỉ đồng, trong đó gia tộc họ Ngô đóng góp 30%.[31]

Trước năm 1945, đền thờ Ngô Quyền có hai mẫu ruộng do ba xóm Đông, Tây, Nam của làng Cam Lâm thay nhau cấy lúa để sửa soạn tế lễ. Lễ vật gồm một con lợn nặng 50 kg, 30 đấu gạo nếp để thổi xôi, trầu cau, hương hoa… Trong hai ngày tế lớn (14 và 15 tháng 8 âm lịch), làng cử một thủ từ và tám tuần phiên để canh gác nhà thờ.[32]

Phố Nguyễn Công Trứ ở thành phố Hải Phòng có đình Hàng Kênh cũng thờ Tiền Ngô Vương Ngô Quyền. Tương truyền trước khi đánh quân Nam Hán, Ngô Quyền đã đóng quân, chiêu binh tập mã ở An Dương (nay thuộc Hải Phòng). Dân nhiều làng ở đây đã làm quân cận vệ và chuẩn bị những cọc gỗ đóng xuống lòng sông Bạch Đằng để chống quân Nam Hán. Hằng năm vào trung tuần tháng hai âm lịch, đình mở hội, cúng tế, có hát ả đào, hát chèo, múa hạc gỗ và nhiều trò dân gian khác.[32] Quanh khu vực hạ lưu sông Bạch Đằng có đến hơn 30 đền miếu thờ Ngô Quyền và các tướng của ông.

Các cơ sở thờ tự Ngô Quyền

  1. Tiền Ngô Vương lăng (Cam Lâm, Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội).
  2. Đền Già (Dị Chế, Tiên Lữ, Hưng Yên): thờ Ngô Quyền và Hoàng hậu Dương Thị Vy.
  3. Đền Vương (Thị trấn Vương, Tiên Lữ, Hưng Yên): thờ Ngô Quyền và Hoàng hậu Dương Thị Vy.
  4. Đình làng Nghĩa Chế (Dị Chế, Tiên Lữ, Hưng Yên): thờ Ngô Quyền, Ngô Xương Ngập, Ngô Xương Văn.
  5. Đình Hiền Lương (An Tiến, Mỹ Đức, Hà Nội): thờ Ngô Quyền.
  6. Đình Thượng Tiết (Đại Hưng, Mỹ Đức, Hà Nội): thờ Ngô Quyền.
  7. Từ Lương Xâm (Nam Hải, An Hải, Hải Phòng): thờ Ngô Quyền.
  8. Tượng đài Ngô Quyền (Nam Hải, An Hải, Hải Phòng).
  9. Đền thờ Ngô Quyền (Thị trấn Mỹ Đức, Thủy Nguyên, Hải Phòng): thờ Ngô Quyền.
  10. Đền Trạng Chiếu (Hải Triều, Tân Lễ, Hưng Hà, Thái Bình): thờ Ngô Quyền và Phạm Đôn Lễ.
  11. Đền thờ Ngô Quyền (Cam Lâm, Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội): thờ Ngô Quyền.
  12. Đình Hải Triều (Tân Lễ, Hưng Hà, Thái Bình): thờ Ngô Quyền.
  13. Đình An Trì (Hùng Vương, Hồng Bàng, Hải Phòng): thờ Ngô Quyền, Ngô Xương Ngập.
  14. Đình Lạc Viên (108 Lạc Xuân Đài, Lạc Viên, Ngô Quyền, Hải Phòng): thờ Ngô Quyền.
  15. Đền Chẹo (Nam Cường, Tam Nông, Phú Thọ): thờ Ngô Quyền.
  16. Đình Ngô Xá (Nguyễn Xá, Bồ Đề, Bình Lục, Hà Nam): thờ Ngô Quyền và Hoàng hậu Dương Thị Vy.

Nhiều đường phố mang tên Ngô Quyền như tại quận Hoàn KiếmHà Đông, Hà Nội, thành phố Thanh Hóa, thị xã Quảng Yên, thành phố Đà Nẵng, thành phố Quy Nhơn... Tên ông cũng là tên của một quận nội thành của Hải Phòng. Nhiều trường học ở Việt Nam cũng mang tên Ngô Quyền.